Các chuyên gia pháp luật cho biết thông tin buộc tăng học phí để lấy bằng lái ô tô lên đến 30 triệu đồng từ ngày 1.5.2020 là chưa đúng.
Nội dung bài viết
Sẽ siết chặt quy định đào tạo, cấp bằng lái ô tô
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao khi nhiều người rủ nhau đăng ký đi học bằng lái ô tô vì tin “đồn” tăng học phí bằng lái từ ngày 1.5.2020 Tuy nhiên, khi được hỏi dựa vào quy định nào để biết học phí bằng lái ô tô tăng, PV Thanh Niên chỉ nhận được câu trả lời “nghe nói thế”. Ghi nhận từ ý kiến chuyên gia pháp luật thì việc tăng học phí lái xe ô tô lên 30 triệu đồng là không có cơ sở.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết Thông tư số 38/TT-Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2019 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT) sẽ siết chặt hơn quy trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe ô tô.
“Nội dung Thông tư 38 nêu, từ 1.1.2020, chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2 và hạng C sẽ có thêm nội dung học về Phòng, chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông; sẽ lắp camera IP, có độ phân giải HD trở lên tại phòng sát hạch lý thuyết và sân sát hạch lái xe để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải; từ 1.5.2020, các cơ sở đào tạo sẽ ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1)…”, luật sư Bùi Quốc Tuấn nêu.
Theo luật sư Tuấn, việc quy định trên có thể sẽ khiến nhiều cơ sở đào tạo học giấy phép lái xe buộc trang bị thêm cơ sở, thiết bị dẫn đến phát sinh tăng học phí, từ đó mới có thông tin tăng học phí bằng lái ô tô.
Học phí tăng hay không là… tùy cơ sở đào tạo
Tuy nhiên, việc tăng học phí bao nhiêu, luật có quy định hay không, theo luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), Thông tư 38 của Bộ GTVT không quy định học phí đào tạo lái xe mà hiện nay việc quản lý tài chính đào tạo lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT.
“Thông tư 72 quy định rõ: “Căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên do Bộ Giao thông Vận tải ban hành và định mức về tiêu hao nhiên liệu do cơ sở đào tạo lái xe ban hành; chế độ chi tiêu tài chính hiện hành; các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần…”
|
Luật sư Hùng khẳng định, học phí học lái xe ô tô do các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới tự quyết định và xây dựng dựa trên nhiều yếu tố, như đầu tư trang thiết bị, xe cộ, đất đai, đội ngũ giáo viên, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất đào tạo lái xe, chương trình đào tạo, định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính…
Việc bỏ ra những chi phí lắp camera, dạy thêm nội dung học, lắp thiết bị nhận dạng và theo dõi thời gian học… chắc hẳn mức học phí học lái xe từ năm 2020 sẽ cao hơn so với trước đây, nhưng con số cụ thể thì sẽ do tùy trung tâm đào tạo công bố.
Theo luật sư Hùng, hiện nay nhà nước không can thiệp hay quy định mức học phí này mà chỉ theo dõi dựa trên báo cáo của cơ sở đào tạo lái xe, nếu cơ sở nào tăng học phí học bằng lái không có cơ sở thì sẽ bị xử lý theo qui định.